Vừa qua, các nhà địa chất đã phát hiện hàng loạt di tích thời đại Đá cũ, phân bố dọc theo đới đứt gãy Sông Ba, tạo nên các di sản hỗn hợp chứa đồng thời các giá trị về di sản thiên nhiên và di sản văn hóa có giá trị nổi bật, cần được tiếp tục điều tra nghiên cứu chi tiết để khai thác các giá trị di sản cho du lịch, phát triển bền vững kinh tế – xã hội.
Lưu vực Sông Ba có đầy đủ 10 kiểu di sản địa chất
Đới đứt gãy Sông Ba có vị trí đặc biệt trong cấu trúc địa chất khu vực Nam Trung Bộ. Đây là một đới đứt gãy lớn dạng địa hào, còn ẩn chứa nhiều thông tin quan trọng về lịch sử phát triển địa chất, di sản địa chất (DSĐC) cũng như lịch sử phát triển của thế giới tự nhiên và con người trong khu vực. Dòng sông Ba phát triển dọc theo đới đứt gãy này, có lưu vực thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Phú Yên. Đây là con sông lớn duy nhất ở Tây Nguyên đổ ra Biển Đông qua cửa biển Đà Rằng (thuộc TP.Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên). Lưu vực Sông Ba rất giàu tài nguyên thiên nhiên, có vai trò đặc biệt cho sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Trung Bộ liên quan.
Ông La Thế Phúc – Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất) cho biết: Về di sản địa chất (DSĐC), lưu vực Sông Ba có đầy đủ 10 kiểu DSĐC theo phân loại của UNESCO cũng như của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong đó, các di sản có giá trị nổi bật cho du lịch là: DSĐC kiểu A – Cổ sinh: có hoá thạch gỗ (silic hoá) rất có giá trị về khoa học, thẩm mỹ và kinh tế ở Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) và một số nơi khác; có hóa thạch khuôn cây trong đá basalt rất độc đáo, v.v.; DSĐC kiểu B – Địa mạo: có các thác nước và cảnh quan thác nước đẹp ngoạn mục và hùng vĩ vào loại bậc nhất Tây Nguyên như Thác 50, thác Kon Lok, thác Hang Dơi, thác Phú Cường, v.v.; có các miệng núi lửa (âm, dương) và cảnh quan miệng núi lửa rất đẹp như Chư Đăng Ya, Biển Hồ, Hàm Rồng, Ia Băng, v.v. chứa đựng các giá trị cao về khoa học, thẩm mỹ và kinh tế/du lịch; DSĐC kiểu C – Cổ môi trường: có hóa thạch gỗ silic hóa trong trầm tích Neogen, basalt cầu gối, khuôn cây trong đá basalt, “nước mắt Pele”, v.v. đặc trưng cho những điều kiện thành tạo địa chất khác nhau, phân bố rải rác ở Gia Lai. DSĐC kiểu D – Đá: có các đá biến chất cổ (gneis, phiến sọc dải…), basalt cột, basalt cầu gối, các loại bom núi lửa, granit màu hồng, v.v. phân bố rải rác ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk; DSĐC kiểu F – Khoáng vật khoáng sản: có đá quý và bán quý, vàng, bauxit,v.v. phân bố rải rác ở Kon Tum-Gia Lai-Đắk Lắk; DSĐC kiểu I – Kiến tạo (lịch sử địa chất): có lịch sử phát triển địa chất đới đứt gãy Sông Ba, sự phân bậc địa hình từ Kon Tum đến Phú Yên và lịch sử phát triển của lưu vực Sông Ba, v.v.; DSĐC kiểu K – Các vấn đề vũ trụ: có dấu vết của những trận mưa tektit xảy ra trong quá khứ địa chất xa xưa còn được lưu lại Gia Lai, trong đó đã sưu tầm được những viên tektit to và nặng tới 5-7kg…
Các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước thẩm định tại thực địa các phát hiện mới về di tích Đá cũ ở Phú Thiện, Gia Lai
Về đa dạng sinh học, lưu vực Sông Ba có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN), vườn quốc gia (VQG) và rừng đặc dụng có tính đa dạng sinh học cao, như: KBTTN Ngọc Linh, KBTTN Kon Chư Răng, VQG Kon Ka Kinh, KBTTN Krông Trai, KBTTN Ea So, v.v. là môi trường sống của hàng ngàn loài sinh vật quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, được luật pháp Việt Nam và quốc tế bảo vệ, cần được bảo tồn khẩn cấp, như: voi, chà vá chân xám, vượn má vàng Trung Bộ, cầy vằn, gấu ngựa, hổ, báo, bò xám, bò rừng, bò tót, trâu rừng, heo vòi, nai cà tong, hươu vàng, hươu đầm lầy, cheo cheo (hươu chuột), cu li nhỏ, rái cá, cầy vằn, mèo rừng; các loài chim quý như công, hồng hoàng, trĩ sao, gà lôi, gà tiền, cao cát, chim đuôi cụt (cút xanh), cò quăm, khướu, v.v.
Về di tích tiền sử, tính đến năm 2018, đã có gần 100 di tích tiền sử đã được phát hiện, trong đó nhiều di tích đã được khai quật, chủ yếu thuộc thời kỳ Đá mới; chỉ có một cụm di tích duy nhất ở An Khê thuộc Sơ kỳ Đá cũ được phát hiện năm 2014, được khai quật từ năm 2015-2018 và được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia tháng 11/2020. Năm 2019-2020, trong quá trình khảo sát thực địa của đề tài KHCN cấp nhà nước (mã số TN17/T06) thuộc chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, ông La Thế Phúc cùng các cộng sự đã phát hiện hàng loạt di tích tiền sử tại hàng chục điểm di sản thiên nhiên ngoạn mục, tạo nên các di sản hỗn hợp có giá trị nổi bật. Tiêu biểu có thể kể đến như: các công cụ Đá cũ ở Thác 50 trong KBTTN Kon Chư Răng; các mảnh tước, bàn mài, hạch đá và mảnh gốm có mật độ khá dày ở thác Hang Dơi (thị trấn K’Bang); phát hiện bổ sung các công cụ Đá mới và mảnh gốm tiền sử ở Biển Hồ (Pleiku); các công cụ đá, mảnh tước, hạch đá thuộc Đá cũ tại rừng cây hoá thạch (gỗ silic hoá) Chư A Thai; các công cụ, mảnh tước, bàn mài ở miệng núi lửa Ia Băng; và hàng chục điểm di tích Đá cũ trên các thềm cổ của Sông Ba; khu vực thác Phú Cường thuộc các huyện Chư Sê, Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa thuộc tỉnh Gia Lai và Sơn Hòa thuộc tỉnh Phú Yên; các công cụ đá, hòn ghè và đá có vết ghè ở thềm sông cổ thuộc xã Ea O, huyện Ea Ka, tỉnh Đắk Lắk, v.v.
Bảo tồn khẩn cấp những phát hiện mới
Theo ông La Thế Phúc, di sản (bao gồm: DSĐC, đa dạng sinh học và di tích tiền sử) ở lưu vực Sông Ba rất phong phú và đa dạng, có tiềm năng rất lớn cho khai thác du lịch và là thế mạnh để phát triển kinh tế và hội nhập. Trên thực tế, những di sản này chưa được xác lập và đánh giá đầy đủ, chưa được nghiên cứu đồng bộ trong liên kết đa ngành, chưa thực sự được bảo tồn và khai thác phát huy một cách hiệu quả để phát triển bền vững kinh tế – xã hội. Chính vì di sản chưa được xác lập đầy đủ và nghiên cứu chi tiết, cho nên di sản ở nhiều nơi hoặc đang vô tình hoặc cố ý bị xâm hại và phá hủy. Chẳng hạn, điểm di tích tiền sử PT15, PT7 ở Phú Thiện được phát hiện tháng 5/2019 thì đến tháng 3/2020 đã bị phá huỷ hoàn toàn do lấy đất san nền và hạ độ cao để canh tác hoa màu. Di sản là nguồn tài nguyên vô giá, không có khả năng tái tạo; là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội. Để đưa di sản vào thực tiễn bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả, phục vụ phát triển bền vững thì cần phải có các điều tra nghiên cứu chuyên sâu, đa ngành và liên ngành trong mối liên kết vùng và hội nhập.
Ngay sau khi phát hiện những di tích tiền sử nêu trên, ông La Thế Phúc cùng các cộng sự đã báo cáo với chính quyền địa phương các cấp để có biện pháp bảo tồn khẩn cấp, nhưng vấn đề bảo tồn còn nhiều bất cập. Di tích đã và đang bị xâm hại một cách vô tình, rất dễ bị phá hủy do các hoạt động nhân sinh: san ủi lấy đất làm đường, tạo mặt bằng để trong cây nông nghiệp…
Để giải quyết vấn đề này, ông La Thế Phúc cho rằng cần bảo vệ, bảo tồn khẩn cấp các di chỉ khảo cổ đã được phát hiện nêu trên. Cụ thể, các gò đồi phân bố cuội sạn sỏi đa khoáng cần được giữ nguyên hiện trạng và canh tác cây công nghiêp/cây lâu năm; không nên đào bới, san ủi làm mất tính nguyên trạng của di tích, di sản để triển khai các công tác nghiên cứu tiếp theo.
Hơn nữa, cần khẩn trương đầu tư điều tra nghiên cứu theo diện rộng và sâu toàn bộ đới/lưu vực Sông Ba cổ, nhằm: khoanh định đầy các diện phân bố di tích, di sản; đánh giá tiềm năng di tích, di sản; lựa chọn các vị trí khai quật theo hướng bảo tồn bảo tàng tại chỗ, phục vụ khai thác du lịch, phát triển bền vững kinh tế xã hội địa phương; xác lập nền văn hóa cổ (thời đại đá cũ) mang tên “Văn hóa Sông Ba” ở Việt Nam. Và “Cần sớm pháp lý hóa các điểm di tích mới được phát hiện để phục vụ bảo tồn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn di tích, di sản nói chung và di tích, di sản ở thung lũng Sông Ba nói riêng”, ông La Thế Phúc kiến nghị.
(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)