Việt Nam được đánh giá là một quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loại khoáng sản quý hiếm vẫn chưa được tìm thấy ở Việt Nam. Đứng trên cương vị của một lãnh đạo tâm huyết với nghề, TS. Nguyễn Văn Thành-Viện trưởng Viện Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường luôn miệt mài tìm kiếm các thông tin về các loại khoáng sản quý hiếm đã có trên thế giới nhưng chưa được tìm thấy ở Việt Nam (đặc biệt là kim cương) và đặc điểm địa chất hình thành nên các loại khoáng sản đó.
Nhân cuộc hội ngộ diễn ra gần đây, TS. Nguyễn Văn Thành đã gặp mặt và trao đổi với GS. TSKH Phan Trường Thị -Viện trưởng Viện Đá Quý – Vàng và Trang sức Việt; một nhà địa chất – nhà ngọc học lão thành luôn cống hiến hết mình cho khoa học, cho đất nước về vấn đề nêu trên. Dưới đây là bài viết thể hiện quan điểm của GS.TSKH. Phan Trường Thị về những “lối mòn trong tư duy” liên quan tới việc tìm kiếm kim cương ở Việt Nam.
CÓ NÊN TÌM KIM CƯƠNG NỮA KHÔNG?
GS.TSKH. Phan Trường Thị
Viện trưởng Viện Đá Quý – Vàng và Trang sức Việt
Địa chỉ: Tầng 5 – Số 61, Đường Ngô Thị Nhậm, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Hàng nhiều thập kỷ đã trôi qua với những nhận thức sai lầm về phương hướng tìm kim cương. Những nhận thức sai lầm cơ bản như sau:
1- Nhận rõ hình thù một craton chưa đúng, thường nhấn mạnh móng kết tinh mà quên lớp phủ nằm ngang bên trên. Giới hạn lớp phủ nằm ngang lại chính là ranh giới một craton. Như vậy, CRATON KON TUM bao gồm lãnh thổ Nam Việt Nam và hầu như lãnh thổ Hạ Lào, lấn sang kể cả lãnh thổ Thái Lan. Phần Đông Nam Craton chủ yếu lộ ra phần móng biến chất Tiền Cambri (Vùng Kon Tum địa lý). CRARON VIỆT BẮC, phức tạp hơn về hình thái. Móng uốn nếp lộ ra ở nhiều vùng địa lý khác nhau: khối Sông Chảy, khối Fansipan; lớp phủ nằm ngang phức tạp hơn nhiều do nhiều quá trình biến dạng muộn hơn. Các trầm tích Paleozoi uốn nếp kiểu dạng vòm; trong khi đó những hệ tầng phun trào và trầm tích Mezozoi cơ bản còn giữ trạng thái nằm ngang. Hơn nữa hoạt động đứt gãy Mezozoi-Kainozoi diễn ra với cường độ khá mạnh góp phần biến đổi đáng kể trạng thái nằm ngang của lớp phủ.
2- Phương hướng tìm kiếm kim cương chỉ mới quan tâm đến phạm vi móng uốn nếp Tiền Cambri. Đó là một sai lầm quá lớn nên không thể tìm thấy được kim cương.
3- Một số hạt kim cương qua phương pháp trọng sa đã tìm thấy phần lớn kích thước quá nhỏ trong lưu vực của các sông suối chảy trong vùng móng biến chất. Điều này cũng góp phần thu hút các nhà địa chất tập trung vào móng kết tinh biến chất mà bỏ qua các vị trí khác.
4- Một sai lầm có tính chất riêng biệt là những người đề xướng phương hướng tìm kim cương phần lớn là những chuyên gia thạch học, hoặc là bị lôi cuốn vào những tiền đề thạch học: các “phức hệ siêu mafic”, lamprophia, cacbonatit …..
5- HÃY GỠ BỎ SAI LẦM VÀ TÌM RA PHƯƠNG HƯỚNG MỚI VIỆT NAM TA có đến 2 craton mà thiên nhiên đã ban phát! Làm lại từ đầu và khởi đầu ở đâu? Không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà lãnh thổ Lào và Campuchia, chúng ta có thể cùng tận hưởng món quà đặc biệt: các DIATREME chứa kim cương!
Có thể nhận thấy các ống nổ diatreme kim cương đều xuyên cắt các lớp trầm tích hay phun trào nằm ngang phủ lên trên móng kết tinh biến chất.
Trên đây là toàn bộ quan điểm của GS.TSKH Phan Trường Thị về việc tìm kiếm kim cương ở Việt Nam. Các độc giả quan tâm có thể tham gia đóng góp ý kiến và trao đổi về khả năng tìm kiếm kim cương ở Việt Nam bằng cách để lại phản hồi dưới bài viết này. Xin chân thành cảm ơn!