Trong quá trình thực hiện các đề án thành phần thuộc đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch và phát triển bền vững kinh tế xã hội”, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc đã có nhiều phát hiện mới có giá trị về địa chất và khoáng sản. Trong đó, hai phát hiện mới rất có giá trị về khoáng sản là phát hiện piemontite ở Sơn La và nikel ở Hà Giang. Hai phát hiện này được Tạp chí Tài nguyên và Môi trường online đăng ngày 05/05/2023 và Website của Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng ngày 08/05/2023. Nhằm giới thiệu hai phát hiện mới về khoáng sản này đến cán bộ, viên chức Liên đoàn và bạn đọc, dưới đây chúng tôi xin đăng lại hai bài báo đăng trên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường online ngày 05/05/2023.
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc: Phát hiện khoáng sản Piemontite trong đới khâu Sông Mã thuộc khu vực Mường Sai, Sông Mã, Sơn La
Đây là phát hiện mới của nhóm các nhà nghiên cứu địa chất: Đinh Mạnh Hà, Hoàng Bá Quyết, Trần Mỹ Dũng, Vũ Quang Lân, Đỗ Thị Kim Tuyến thuộc Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc, Cục Địa chất Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Khu vực phân bố piemontit thuộc xã Mường Sai huyện Sông Mã tỉnh Sơn La nằm trong đai ophiolit Sông Mã. Được cấu thành chủ yếu là các thành tạo trầm tích bị biến chất thuộc hệ tầng Nậm Ty. Hệ tầng Huổi Hào, phức hệ Bó Xinh, Núi Nưa và phức hệ Chiềng Khương. Các đá của hệ tầng Nậm Ty bị xuyên cắt bởi đá gabro phức hệ Bó Xinh. Các đá các đá siêu mafic phức hệ Núi Nưa phân bố trong diện lộ của hệ tầng Nậm Ty được cho là xuất lộ lên bề mặt theo cơ chế trồi nguội. Ngoài ra còn một số đai mạch diabas, pegmatit granit xuyên cắt trong hệ tầng này. Phức hệ granitoid Chiềng Khương và hệ tầng meta bazan Huổi Hào phân bố ở các vùng phụ cận.
Đại diện nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc, ông Hoàng Bá Quyết cho biết: Trong các đá biến chất hệ tầng Nậm Ty đã khoanh định được 2 loại đá mỹ nghệ có màu sắc khác nhau: Đá mỹ nghệ màu đỏ mận, hồng tím (piemontit), và màu vàng chanh (epidot hóa) từ các đá đá sừng thạch anh – felspat – muscovit, đá sừng felspat- thạch anh – pyroxen-actinolit – phlogopit, đá sừng thạch anh – felspat – pyroxen.

Nhóm nghiên cứu ngoài hiện trường
* Đá sừng màu đỏ (piemontit): Phân bố trong đới biến đổi sừng hóa, epidot hoá. Gồm đa dạng các màu sắc như hồng tím, đỏ mận, đỏ nhạt (ảnh 2). Màu sắc này được tạo bởi màu của khoáng vật piemontit (một biến thể của epidot có chứa mangan trong thành phần khoáng vật).
Đá có cấu tạo dạng khối, dải, bị uốn nếp thành các nếp uốn đảo. Các nếp uốn này có đường trục gần ngang, phương trục TB-ĐN. Đá khá cứng, giòn, rắn chắc, không thấu quang. Trong đá đôi khi còn có các hạt epidot màu vàng chanh kích thước từ 1 đến vài mm. Quan sát tại thực địa đá bị vụn vỡ khá mạnh. Tại vết lộ do đá bóc lộ tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên chúng bị vụn vỡ khá mạnh. Tuy nhiên tại một vài chỗ đào sâu vào trong đầu lộ vỉa hoặc tại các tảng lăn được dân địa phương tận thu khả năng thu hồi được các tảng có kích thước ≥0,3 m3 là khá cao. Dựa vào tính chất cơ lý, màu sắc, độ bóng, độ cứng, độ nguyên khối và độ phổ biến. Đá sừng màu đỏ này chỉ phù hợp với chế tác các đồ mỹ nghệ kích thước nhỏ – trung bình.
Thành phần thạc học (%): thạch anh: 59-75, epidot: 20-27, plagioclas: 3-5. Một số mẫu xuất hiện thêm các khoáng vật khác như tremolit, pyroxen. Khoáng vật epidot trong đá chủ yếu là piemontit. Chính màu sắc của khoáng vật này tạo nên màu đỏ cho đá. Khoáng vật phụ có sphen (vài hạt) và rất ít khoáng vật quặng. Trong thành phần khoáng vật vắng mặt các khoáng vật sulfur.
Đặc điểm thạch địa hóa: kết quả phân tích silicat đá sừng màu đỏ cho thấy hàm lượng SiO2 của đá khá cao(77,48-81,04%). Hàm lượng tổng sắt khá thấp(≈3%). Hàm lượng Al2O3 khá thấp, thấp hơn tất cả các đá magma và biến chất trong vùng (từ 6,07-7,13%), chỉ cao hơn các đá siêu mafic. Hàm lượng tổng kiềm rất thấp (0,47-1,33%). Hàm lượng CaO cao (3,57-6,23%). Đặc biệt hàm lượng MnO của đá rất cao thường ~gấp 2 lần các đá trong khu vực (0,44-0,5). Có thể do hàm lượng MnO trong đá cao là tác nhân dẫn đến các khoáng vật epidot bị nhiễm mangan vào cấu trúc tinh thể tạo nên biến thể piemontit làm nên màu đỏ cho đá (ảnh 1,2).
*Đá sừng màu vàng chanh
Trong đới biến đổi epidot có phân bố piemontit còn có một loại đá biến đổi màu vàng chanh. Thành phần thạch học phổ biến của đá này là đá sừng thạch anh – felspat – mica. Ngoài trời đá khá cứng, dai. Màu sắc chủ đạo của đá là màu vàng chanh, màu xanh xám, xanh nõn chuối đôi khi là màu xám trắng. Cấu tạo dạng khối, dải, Chúng bị vò uốn rất mạnh tạo thành các vi nếp uốn đảo với đỉnh rất nhọn, vòm hẹp. Các dải epidot màu xanh thường phân bố song song với các dải đá sẫm màu. Thành phần thạch học (%): thạch anh: 34-77, plagioclas:10-33, muscovit 10-12, epidot từ vài hạt đến 15%, Khoáng vật phụ chủ yếu turmalin, apatit. Đôi khi còn có granat, zircon, chlorit. Trong đá skarn hàm lượng epidot lên tới 50%, pyroxen lên tới 25% đồng thời có xuất hiện khoáng vật đặc trưng của biến đổi skarn là vesuvian.

Màu sắc tự nhiên của đá sừng màu đỏ (piemontit) tại vết lộ SM. 8518.
Ảnh: Đinh Mạnh Hà

Sản phẩm được chế tác từ đá sừng màu đỏ (piemontit), Mường Sai-Sông Mã.
Ảnh: Hoàng Bá Quyết
*Giá trị thực tiễn của đá sừng màu đỏ chứa piemontit
Hiện nay trên thị trường cũng đã xuất hiện các sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ đá sừng màu đỏ chứa piemontit. Các sản phẩm khá đẹp và có giá bán khá cao.
Trong các văn liệu trước đây các đá sừng màu đỏ chứa piemontit chưa từng được ghi nhận trong các đá biến chất hệ tầng Nậm Ty và trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, trong quá trình xác định tên đá, tên khoáng vật, thành phần vật chất, chúng tôi tiến hành tham khảo, đối sánh với các tài liệu trong và ngoài nước, kết hợp với tài liệu thực tế. Kết quả là đã xác định được loại đá này có thành phần chủ yếu là thạch anh, tremolit và đặc biệt là khoáng vật piemontit có màu đỏ mận, tím hồng. Màu sắc của khoáng vật tạo cho đá màu sắc khá đẹp và lạ mắt. Xác định đây là loại đá bán quý có giá trị thực tế (tạo tác đồ mỹ nghệ, đồ trang sức). Cần được nghiên cứu, đánh giá thêm.
Theo Hồng Minh