ĐỊA CHẤT ĐÁ QUÝ

Đá quý chủ yếu là khoáng vật, vậy chúng phát sinh ở đâu trong Vỏ Trái Đất? Theo phương thức nào? Lúc nào và trên bình đồ của bề mặt Trái Đất các mỏ đá quý phân bố theo quy luật nào? Tất cả đều có thể nhận thức được trên cơ sở Địa chất học. Bề mặt Trái Đất có những đại dương và những lục địa. Tuy đá quý được khai thác trên lục địa nhưng dưới đại dương cũng có thể tìm thấy. Nhìn tổng thể, Trái Đất phân thành nhiều lớp: Vỏ, Manti, Nhân ngoài và Nhân trong (hình 1.1). Đá quý là những khoáng vật phát sinh ngay ở phần trên của lớp Manti ( sâu so với bề mặt Trái đất khoảng trên 60 km), nhưng chủ yếu nằm trong lớp Vỏ Trái Đất.

 

Hình 1.1: Cấu trúc Trái Đất: Vỏ (nâu), Manti (đỏ), nhân ngoài (vàng sẫm) và nhân trong (vàng).

Vỏ Trái Đất là lớp đá cứng, nằm dưới nó – MANTI luôn ở trạng thái dẻo và có những dòng đối lưu tựa như trong nước biển (hình 1.2). Vỏ cứng rạn nứt theo thời gian và tách thành từng mảng trôi dạt theo chiều của các dòng đối lưu trong Manti. CƠ chế đó tạo những điều kiện sinh thành tất cả các loại đá trong Vỏ, kèm theo các khoáng vật, đá quý, các mỏ kim loại…Cũng vậy, các đại dương hình thành, các dãy núi ngày một nhô cao và núi lửa phun trào. Một bức tranh sống động của hành tinh xanh độc nhất vô nhị trong Thái dương hệ – Trái đất của chúng ta.

Hình 1.2: Dòng đối lưu trong Manti Trái Đất ( các mũi tên đỏ) và chuyển động của Vỏ ( mũi tên đen ).

I – BA LOẠI ĐÁ – CỘI NGUỒN CỦA MỌI ĐÁ QUÝ

  • ĐÁ MAGMA

Magma là dung thể khu trú trong Manti và Vỏ, dưới dạng những thể có nhiều hình thù và kích thước rất khác nhau (từ vài met cho đến hàng trăm km chiều ngang). Khi chúng nằm dưới sâu và kết tinh thành những khối đá cứng – khối đá xâm nhập (batholit). Khi chúng trào lên bề mặt Trái Đất tạo nên núi lửa và những dòng dung nham chảy tràn như những dòng nước lũ, chúng nguội dần và đông cứng thành những dòng đá phun trào. Phần dung thể nằm ngoài rìa khối đá xâm nhập tỏa vào đá vây quanh dưới dạng mạch đá, trong đó có những thể Pecmatit, vốn chứa nhiều chất khí tạo thuận lợi cho quá trình kết tinh nhiều tinh thể kích thước lớn từ vài dm cho đến hàng met chiều dài hay chiều ngang. Trong các thể pecmatit có những tinh thể đá quý đẹp và kích thước lớn. Mối quan hệ giữa các thể đá magma xem hình 1.3.

Hình 1.3: Sơ đồ quan hệ giữa những batholit  (khối đá xâm nhập sâu)- đá mạch ( Thể vỉa, Thể tường, Thể nấm ) và núi lửa (dòng dung nham – Tro).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *