Mỏ hóa thạch lớn nhất Đông Nam Á ở Việt Nam: Tuổi đời hơn 30 triệu năm, nhiều loài mới được tìm thấy

Các nhà khoa học đánh giá rất cao về giá trị nghiên cứu của những hóa thạch được tìm thấy tại đây.

Mỏ hóa thạch phong phú nhất Đông Nam Á

Nằm ở xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, trũng Na Dương là kết quả của hoạt động dịch trượt của đứt gãy Cao Bằng – Tiên Yên. Ngoài ra, đây cũng là bể than nâu lửa trên đất liền lớn nhất Việt Nam với trữ lượng trên 100 triệu tấn. Tại đây, ngoài tài nguyên than đá còn ẩn chứa rất nhiều tài nguyên di sản địa chất quý, có giá trị độc đáo về cổ sinh địa tầng, cổ địa lý, cổ môi trường…thể hiện một lịch sử kiến tạo và phát triển địa chất thú vị hấp dẫn, thu hút nhiều nhà khoa học, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Hóa thạch các loài thực vật được tìm thấy ở mỏ hóa thạch lớn nhất Đông Nam Á ở Việt Nam. (Ảnh: Công viên địa chất Lạng Sơn)

Na Dương là vùng lộ thiên trầm tích Đệ tam cách đây khoảng 33 triệu năm, chứa đựng di tích hóa thạch phong phú nhất ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Theo trang web của Công viên địa chất Lạng Sơn, tại trũng Na Dương, các nhà khoa học đã phát hiện rất nhiều hóa thạch động vật có xương sống, động vật không xương sống và thực vật phát triển cách ngày nay từ khoảng 20 – 30 triệu năm, nhiều giống loài hiện còn tồn tại.

Trang Môi trường Du lịch Việt Nam cho hay, về thực vật, qua nghiên cứu phân tích bào tử phấn hoa cũng như hóa thạch, đặc biệt là vết in lá, thân, quả đã cho thấy sự tồn tại những khu rừng ẩm ướt nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiều loài thực vật giàu chất nhựa phát triển ở những vùng khí hậu ôn đới ẩm hoặc cận nhiệt đới, nhiệt đới nóng ẩm như: Fagaceae (họ cử): Quercus (sồi), Lauraceae (họ long não), Moraceae (dâu tằm), Diospyros (thị), Ficus (đa).

Các thân gỗ hóa thạch ở Na Dương. (Ảnh: Công viên địa chất Lạng Sơn)


Tại khu vực khai thác than, các chuyên gia còn tìm thấy quần thể thân gỗ hóa thạch. Những thân cây ở đây có thể cao tới hàng chục mét.

Về động vật, hóa thạch tìm được ở Na Dương rất phong phú bao gồm động vật thân mềm, động vật có xương sống như cá, rùa, cá sấu và đặc biệt là hóa thạch động vật có vú (anthracotheres, tê giác, linh trưởng)… Nhiều loài và chi đã được đặt tên địa phương như: ốc nước ngọt Bacbotricula, trai nước ngọt (5 loài), cá (9 loài), rùa (5–6 loài), cá sấu (3 loài, trong đó có loài Orientalosuchus naduongensis)…

Trong đó, các nhà khoa học đã phát hiện được 02 loài động vật có vú mới là loài tê giác Epiaceratherium naduongensis và thú than (Bakalovia Orientalis và Anthracokeryx naduongensis); 01 loài bò sát mới xếp vào một chi và loài rùa mới Pan-Trionychid, nhiều loài còn sống tới ngày nay.

Hóa thach xương sọ Thú than Bakalovia Orientalis. (Ảnh: Madelaine Bohme)

Thú than là những loài động vật móng guốc giống lợn, có quan hệ họ hàng gần gũi với hà mã, có lối sống bán thủy sinh tại các vùng đầm lầy nước nông ven sông hồ. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng và chứng minh các loài động vật có vú tại bể Na Dương loài là thủy tổ của các loài tê giác và thú than tại Châu Âu. Nhờ phát hiện này, Na Dương đã trở thành nơi quan trọng của Đông Nam Á cho sự phân tán động vật có vú xuyên lục địa dọc theo rìa phía bắc đại dương Tethys.

Từ các phát hiện này, các nhà khoa học đã phác họa một bức tranh toàn cảnh về hệ sinh thái của vùng trũng Na Dương hơn 30 triệu năm trước. Theo đó, Na Dương từng là đầm lầy và hồ nước ngọt. Nơi đây phát triển những khu rừng rậm rạp cùng một thế giới động vật phong phú, bao gồm các loài bò sát như rùa, cá sấu và các loài động vật lớn như thú than, tê giác… Tuy nhiên, sau đó, do Na Dương bị ngập cục bộ khiến cho các loài động vật ở đây tuyệt chủng.

Những vỏ ốc nước ngọt hóa thạch được tìm thấy ở vùng trũng Na Dương. (Ảnh: Tri thức & Cuộc sống)

Để phát huy những giá trị lịch sử và văn hóa mà vùng trũng Na Dương mang lại, trong Đề án xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn đã lựa chọn khu vực này để phối hợp cải tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng hướng tới trở thành điểm tham quan du lịch và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học hấp dẫn của du khách cũng như các nhà khoa học.

Theo Nguyệt Phạm / Đời sống & pháp luật

Gửi phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *