Đá quý và trang sức tâm linh, phong thuỷ là những sản phẩm đang được giới trẻ Trung Quốc rất ưa chuộng. Nhưng lý do thực sự đằng sau xu hướng này là gì?
Ngọc bích từ lâu đã là một trong những loại đá quý phổ biến nhất ở Trung Quốc. Nhưng hiện nay, các cách thiết kế sản phẩm mới và các phương thức bán hàng hiện đại đang giúp các món đồ trang sức làm bằng ngọc bích, như vòng đeo tay và mặt dây chuyền, tiếp cận tới đối tượng khách hàng mới và trẻ hơn.
Các kênh thương mại điện tử phát sóng trực tiếp đã thay thế các cửa hàng vật lý để trở thành kênh mua sắm chính cho ngọc bích. Hiện tại, các nền tảng bán hàng nổi bật của ngọc bích là Douyin, Kuaishou, Xiaohongshu và Bilibili.
Doanh số của đá ngọc bích đã tăng 15,8% vào năm 2023, với quy mô thị trường hơn 150 tỷ nhân dân tệ – trở thành danh mục trang sức lớn thứ hai của Trung Quốc sau vàng, theo Mintel. Và tệp khách hàng đang trẻ hóa: tính đến năm 2021, nhóm tuổi từ 25 đến 34 chiếm 44% lượng mua ngọc bích.
THIẾT KẾ MỚI CHO TỆP KHÁCH HÀNG MỚI
Một phần lý do dẫn tới trào lưu này chính là người nổi tiếng tại Trung Quốc. Nhiều ngôi sao Trung Quốc, bao gồm các diễn viên Quan Hiểu Đồng, Dương Mịch, Dương Tử và Châu Đông Vũ, đeo ngọc bích ngày càng nhiều. Giá của ngọc bích cũng không phải là quá đắt đỏ, có nghĩa là khách hàng có thể mua ngọc bích mà không cần nghĩ nhiều về nợ ngân hàng.
Những người sưu tập ngọc bích cũng ngày càng trẻ. Nhà đấu giá Phillips, được thành lập vào năm 1796 với trụ sở tại Hồng Kông, từ lâu đã kinh doanh các sản phẩm ngọc bích. “Trong lĩnh vực đấu giá, các nhà sưu tập thường xoay quanh độ tuổi 35 và thiết lập hệ thống sưu tập độc đáo của riêng họ”, Trần Chí Thanh, trưởng bộ phận đấu giá tại bộ phận trang sức Hồng Kông của công ty cho biết.
“Một số nhà sưu tập trẻ sẽ dần chuyển sang đồ trang sức bằng ngọc bích nếu họ có ngân sách. Chúng tôi coi những nhà sưu tập từ 35 đến 40 tuổi là tương đối trẻ.” Ông Chí Thanh cho biết thêm sức hấp dẫn của ngọc bích nằm ở chất lượng, sự lựa chọn rộng lớn và lợi thế về giá cả.
Phillips tổ chức bốn cuộc đấu giá trang sức mỗi năm, mỗi cuộc đấu giá đều có khoảng 20 mặt hàng là ngọc bích. Theo xu hướng của các nhà sưu tập trẻ, công ty thường chọn đồ trang sức bằng ngọc bích đơn giản, phù hợp để sử dụng hàng ngày, với giá từ hàng chục nghìn đến hàng triệu đô la Hồng Kông.
Phong cách của các mặt hàng trang sức ngọc bích cũng đang thay đổi để thu hút người tiêu dùng trẻ hơn. Khi thế hệ cha mẹ họ mua mặt dây chuyền hoặc vòng đeo tay bằng ngọc bích khắc tượng Phật, thì khách hàng ngày nay lại thích những thiết kế đơn giản và cá nhân hóa hơn để làm nổi bật kết cấu của chính viên đá và ưa chuộng các mẫu ngọc bích có màu sắc nhạt hơn.
Đầu năm nay, Loewe đã ủy quyền cho các nghệ nhân khắc ngọc bích hàng đầu là Ân Tiểu Kim, Lôi Thành và Câu Kỳ Cảnh tạo ra một loạt mặt dây chuyền giới hạn để kỷ niệm Tết Nguyên Đán 2024. Kỳ Cảnh cho biết ông lấy cảm hứng từ hình dạng của mỗi viên đá ngọc bích: “Mỗi viên đá đều có đặc điểm tự nhiên riêng, vì vậy chúng ta phải chế tác theo dáng của nó. Nhiều tác phẩm đá quý rất đẹp ngay từ đầu, nhưng một khi bạn điều chỉnh chúng, màu sắc thường có thể thay đổi hoặc xuất hiện vết nứt”.
Đá ngọc bích được chạm khắc tỉ mỉ từ những người nghệ nhân được Loewe uỷ quyền.
Dù vậy, có những nhà sưu tập trẻ hơn thích đá ngọc bích cổ có chạm khắc tinh xảo. “Một số viên ngọc bích được tháo ra từ đồ trang sức cũ có thể có kết cấu và vẻ đẹp khác biệt sau khi được khảm và chế tác bằng kỹ thuật mới. Đây là một xu hướng khác đáng chú ý”, bà Trần Chí Thanh nói thêm.
Vì nhu cầu ngày càng tăng và nguyên liệu thô khan hiếm, giá ngọc bích có thể bắt đầu tăng lên. Nhưng sự phổ biến của ngọc bích – viên ngọc thấm nhuần lịch sử Trung Quốc – sẽ không bao giờ mờ nhạt. Cho dù đó là tìm kiếm ưu đãi trên các chương trình phát sóng trực tiếp hay đấu giá, nhu cầu về ngọc bích chỉ có thể tăng lên.
TRANG SỨC TÂM LINH VÀ PHONG THUỶ PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ
“Các lý thuyết siêu hình và tâm linh không phải là mới đối với ngành thời trang và xa xỉ. Các thương hiệu như Vivienne Westwood, Van Cleef & Arpels và Tiffany&Co từ lâu đã sử dụng các khái niệm như chòm sao, bói bài tarot và bói toán lên các mặt hàng trang sức của mình. Những ý tưởng này đã trở thành văn hóa phổ biến, đặc biệt là trên mạng, trong hai năm qua,” Trần Lý Anh, giám đốc điều hành của công ty công nghệ thời trang đã qua sử dụng DejaWooo cho biết.
Chi tiết nụ cười của chiếc vòng cổ “Smile” từ thương hiệu Tiffany&Co được giới trẻ Trung Quốc tin rằng sẽ đem lại niềm vui và may mắn trong cuộc sống.
Trong năm qua, hơn 30 triệu bài đăng thảo luận về niềm tin và những điều huyền bí đã được chia sẻ trên Weibo, Douyin và Xiaohongshu. “Sự kết hợp với các lý thuyết siêu hình tâm linh có liên quan đến cả xu hướng chán nản công việc đang gia tăng trong giới trẻ… Nuôi dưỡng may mắn và hy vọng vào những thứ bên ngoài là quan trọng đối với một thế hệ đang làm quen với thế giới hậu Covid và sự chậm lại của các ngành chính,” Jack Porteous, giám đốc thương mại tại công ty tiếp thị Tong cho biết.
Dù cho những niềm tin này có đem lại kết quả thật hay không, người tiêu dùng Trung Quốc rất thích chúng và sẵn sàng trả tiền cho những mặt hàng phù hợp.
Mặt dây chuyền và vòng đeo tay Alhambra (cỏ bốn lá – một biểu tượng may mắn) của Van Cleef đứng đầu danh sách sản phẩm bán chạy nhất ngày 520 của Trung Quốc trên Tmall từ ngày 17/4 đến ngày 18/5, chiếm vị trí thứ nhất, thứ hai và thứ tư, theo kết quả của Digital Luxury Group.
“Các thương hiệu rõ ràng rất có lợi,” Porteous nói. “Đó là một sự kết hợp sản phẩm với điều gì đó tích cực đang xảy ra với người tiêu dùng và tạo ra một sự trung thành tiềm năng đối với việc theo đuổi may mắn thông qua các sản phẩm của thương hiệu. Và đối với các thương hiệu xa xỉ hàng đầu như Van Cleef, không có phương pháp tiếp thị nào tốt hơn việc mọi người đeo sản phẩm của hãng ngày này qua ngày khác.”
Trong phong thủy, người ta tin rằng bướm có thể mang lại tài lộc và may mắn. Trong quý đầu tiên của năm 2024, doanh số bán đồ trang sức bằng vàng có chi tiết hình bướm trên Taobao đã tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước lên hơn 200 triệu đơn vị, vượt trội so với toàn thị trường trang sức vàng.
Mặt dây chuyền và vòng đeo tay Alhambra của thương hiệu trang sức xa xỉ Van Cleef rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tại Việt Nam,trang sức phong thuỷ được nhiều người ưa chuộng nhất là đá quý. Theo dữ liệu được ghi nhận trên Trình duyệt và Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, trong năm 2023, mức độ “chi trả mạnh tay” của người tiêu dùng Việt Nam cho các mặt hàng trang sức được xếp theo thứ tự Đá quý – Vàng bạc – Trang sức chế tác. Theo đó, đá quý là sản phẩm “đắt đỏ” nhất khi có tới 41% đáp viên đã từng mua với mức giá từ 30 triệu trở lên. Trong khi với cùng mức chi trả này, tỷ lệ người mua vàng bạc, trang sức lần lượt là 27% và 22%.
Kết quả khảo sát của Cốc Cốc chỉ ra rằng, nam giới yêu thích các loại đá phong thủy và các dạng nguyên khối, dạng thô hơn trong khi nữ giới yêu thích các sản phẩm đã qua chế tác như nhẫn, vòng tay, dây chuyền, khuyên tai… Sự khác biệt này xuất phát từ mục đích tiêu dùng của hai giới, trong khi nữ giới thường mua để làm đẹp cho bản thân thì nam giới mua nhằm lưu trữ, trang trí, đầu tư và thể hiện khả năng tài chính.
Theo Minh Anh/ vneconomy.vn